Quan điểm
Nghề hay nghiệp #12: “Nền kinh tế thời vụ” (gig economy) có phải là lựa chọn làm việc lý tưởng?

Mặc dù nghe có vẻ xa lạ, thuật ngữ “gig economy” lại có mối liên hệ mật thiết đối với những người làm việc tự do, được biết đến với tên gọi freelancer hoặc cư dân du mục kỹ thuật số (digital nomad).
Định nghĩa gig economy là gì?
Gig economy (tạm dịch: nền kinh tế thời vụ) là các công việc có tính linh hoạt cao, không cần ký kết hợp đồng làm việc lâu dài. Xu hướng làm việc này ngày càng phổ biến, đặc biệt là sau thời gian dài giãn cách xã hội do đại dịch, nhiều người bị mất việc hoặc thu nhập bị cắt giảm. Theo một báo cáo từ Upwork, hiện có hơn 57,3 triệu người Mỹ đang làm việc tự do, ước tính đến năm 2027, con số này sẽ tăng lên 86,5 triệu. Lực lượng lao động trong “nền kinh tế thời vụ” thường khá trẻ, theo số liệu từ Edison Research, 38% rơi vào độ tuổi từ 18 - 34.
Một số công việc phổ biến có thể kể đến như sau:
-
Sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân để làm việc cho các công ty dịch vụ vận chuyển, ví dụ như Grab, Be, Uber,...
-
Mở gian hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử.
-
Những người làm công việc sáng tạo và truyền thông: họa sĩ, thiết kế đồ họa, dàn dựng video, nhà văn, chuyên viên tiếp thị (marketing), biên tập viên,...
Ưu điểm và nhược điểm khi làm việc trong “nền kinh tế thời vụ”
#1: Ưu điểm:
-
Linh hoạt: Bạn có thể dễ dàng sắp xếp thời gian làm việc, nơi làm việc mà không phải chịu bất cứ bó buộc, hoặc quy định nào. Đây cũng là điểm cộng lớn cho những ai đang muốn tìm công việc ngoài giờ để có thêm thu nhập. Theo kết quả khảo sát từ PYMNTS, 55% người tham cho biết họ có một vị trí làm việc cố định toàn thời gian, bên cạnh công việc thời vụ.
-
Độc lập: Thay vì chịu sự giám sát của người quản lý trực tiếp, bạn hoàn toàn tự lên kế hoạch làm việc một cách thoải mái, chỉ cần đảm bảo hiệu quả và tiến độ công việc được giao. Để không rơi vào tình trạng trì hoãn, bạn có thể tham khảo cách kết hợp phương pháp “Eat The Frog” với “Deep Work” để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài viết liên quan: Làm việc hiệu quả #1: Đập tan cảm giác trì hoãn vào mỗi sáng sớm với “Eat The Frog” và “Deep Work”
-
Sự đa dạng: Khi gia nhập “nền kinh tế thời vụ”, bạn có thể đảm nhận cùng lúc 2-3 công việc có tính chất khác nhau. Chẳng hạn như vừa làm thiết kế đồ họa, vừa mở gian hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử. Điều này không chỉ giúp bạn nâng cao kỹ năng ở nhiều khía cạnh, mà còn hạn chế cảm giác chán nản khi phải làm một công việc lặp đi lặp lại.
Nguồn ảnh: Vlada Karpovich / Pexels
#2: Nhược điểm:
-
Thu nhập không ổn định: Không giống công việc cố định được trả lương hàng tháng, thu nhập của bạn sẽ phụ thuộc vào số lượng dự án bạn có được trong tháng. Đối với người làm việc tự do, tình cảnh tháng dư dả, tháng thiếu hụt không hề xa lạ.
-
Tự quyết toán thuế và các phúc lợi lao động khác: Khi làm việc tự do, bạn phải tự đóng các khoản như BHXH và BHYT. Ngoài ra, đến kỳ quyết toán thuế hàng năm, bạn cũng phải tự đi làm thủ tục thay vì có công ty giúp bạn xử lý.
Bài viết liên quan: Quyết toán thuế TNCN #1: Những điều nên biết về quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động
-
Ảnh hưởng đến sức khỏe: Nếu không biết cách sắp xếp công việc hợp lý, hoặc nhận quá nhiều dự án cùng lúc, bạn có thể rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và cạn kiệt năng lượng (burnout). Không chỉ thế, khi có sự cố bất ngờ phát sinh, bạn buộc phải tự mình tìm cách xử lý, vì không có cấp trên hoặc đồng nghiệp nào cùng bạn giải quyết cả.
Cần lưu ý gì khi dấn thân vào “nền kinh tế thời vụ”?
Xu hướng làm việc này đã có từ lâu và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước khi bước vào “nền kinh tế thời vụ”, bạn cần phải cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.
Nhiều nhân viên công sở cảm thấy bức bối với môi trường làm việc chốn văn phòng, do vậy mà quyết định chuyển sang làm việc tự do với hy vọng thoát khỏi cuộc sống nhàm chán, lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, làm việc tự do không có nghĩ là bạn sẽ được “tự do”.
Thực chất, đúng là bạn không cần đến văn phòng mỗi ngày. Bạn có thể làm việc tại nhà, quán cà phê, thậm chí có thể vừa đi du lịch vừa làm việc. Bạn cũng không cần chấm công mỗi ngày, hoặc báo cáo công việc hàng tuần - hàng tháng. Tuy nhiên, cũng chính vì thế, gánh nặng trên vai bạn cũng nhiều hơn, bạn phải tự giám sát và quản lý tiến độ làm việc. Bởi vì nếu có bất cứ trục trặc gì xảy ra, bạn là người duy nhất đứng ra gánh chịu mọi hậu quả.
Hơn thế nữa, áp lực tiền bạc cũng là vấn đề lớn nếu bạn quyết định bỏ hẳn công việc toàn thời gian. Tùy theo tính chất công việc và từng thời điểm nhất định, có giai đoạn bạn sẽ rất bận rộn và dư dả về mặt tài chính, có lúc lại chỉ có lai rai vài khách đặt hàng. Để cân bằng được điều đó, bạn cần có nền tảng tài chính ổn định, đồng thời học cách quản lý tài chính cá nhân thông minh.
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #12: 3 yếu tố tài chính nên cân nhắc trước khi nghỉ việc
Như vậy, trong trường hợp bạn vẫn muốn dấn thân vào con đường này, lựa chọn an toàn nhất là vẫn duy trì vị trí làm việc toàn thời gian. Còn công việc tự do xem như là một cách để bạn đa dạng hóa thu nhập. Đây cũng xem như cơ hội để bạn trải nghiệm và tự đánh giá xem nó có thật sự phù hợp với bản thân hay không.
“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin