Kiến thức
Quản lý tài chính cá nhân #33: Attention Economy - Khi sự chú ý của bạn là sản phẩm để mua bán

“Khi sử dụng một ứng dụng trực tuyến miễn phí, bạn không phải là khách hàng. Bạn chính là sản phẩm” - CEO Apple Tim Cook.
Sự bùng nổ của “nền kinh tế mua bán sự chú ý”
Thuật ngữ “attention economy” xuất hiện vào năm 1971, được đặt ra bởi Nhà Kinh tế học đoạt giải Nobel và là người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo Herbert A. Simon. Giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu, “nền kinh tế mua bán sự chú ý” là trong bối cảnh phát triển của mạng xã hội, các tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới làm giàu bằng các thông tin cá nhân thu thập từ người dùng của họ. Hầu hết mọi người hiếm khi bận tâm đến điều đó, minh chứng rõ ràng là chẳng mấy ai bỏ thời gian và sự chú ý đọc các thỏa thuận, hoặc điều kiện sử dụng của các dịch vụ trực tuyến miễn phí.
Tuy nhiên, lượng thông tin dày đặc dẫn đến sự chú ý của người dùng bị phân tán nhiều hơn. Theo kết quả một thống kê, trung bình chúng ta tiếp xúc từ 6.000 cho đến 10.000 quảng cáo mỗi ngày. Dĩ nhiên, bộ não con người không có khả năng tiếp thu lượng thông tin khổng lồ như vậy, phần lớn trong số quảng cáo đó sẽ bị lãng quên chỉ sau vài giây. Do đó, các chuyên gia tiếp thị (marketing) luôn tìm tòi phương pháp để khiến mẫu quảng cáo của họ ấn tượng, gây sự chú ý và để lại dấu ấn trong tâm trí người dùng. Ngày nay, chỉ cần lướt mạng xã hội vài phút, bạn sẽ thấy có rất nhiều quảng cáo với nhiều định dạng khác nhau: hình ảnh, liên kết, âm thanh, video ngắn,... với thiết kế bắt mắt để giành lấy sự chú ý của người dùng.
Nguồn ảnh: Lilly Rum / Unsplash
Thậm chí, một số thương hiệu còn ấp ủ ý định đưa các thông điệp quảng cáo vào trong giấc mơ của người dùng. Theo bài viết đăng tải trên Tạp chí điện tử The Hustle, thương hiệu bia Molson Coors, Xbox của Microsoft và thương hiệu thức ăn nhanh Burger King đang hợp tác với các nhà khoa học để tìm ra cách đưa quảng cáo vào giấc mơ, chủ yếu dưới hình thức âm thanh và video. Theo một khảo sát được thực hiện bởi The American Marketing Association-New York (The American Marketing Association-New York), 77% nhà tiếp thị có ý định sử dụng công nghệ để tác động đến giấc mơ trong vòng 3 năm tới.
Có thể thấy, sự chú ý của người dùng có giá trị cao, nhưng không dễ dàng để các nhà tiếp thị giành lấy sự chú ý từ khách hàng. Trong thời đại thông tin, mỗi giây đều đáng giá trong cuộc cạnh tranh chiếm lấy sự chú ý của người dùng. Chính vì vậy, các thương hiệu không ngừng tìm cách giữ chân khách hàng bằng những nội dung hữu ích, đồng thời vẫn đảm bảo tính giải trí. Bởi vì cuối cùng, càng thu hút nhiều sự chú ý, càng dễ bán được hàng.
2 mặt trái của “nền kinh tế mua bán sự chú ý”
#1: Quyền riêng tư của người dùng bị xâm phạm
Những hành động của bạn đều được ghi lại, từ việc bạn nhấn thích, theo dõi hoặc chia sẻ một bài viết về trang cá nhân. Do vậy, thỉnh thoảng tin tức tin tặc (hacker) đánh cắp thông tin để rao bán lại xuất hiện. Những dữ liệu này có thể bao gồm các hoạt động trên mạng xã hội (bình luận, chia sẻ, lịch sử tìm kiếm), thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng). Những dữ liệu này được dùng phục vụ cho các chiến dịch truyền thông - quảng cáo, thậm chí sử dụng vào các mục đích xấu.
Để tránh bị rò rỉ thông tin, bạn có thể tham khảo một số cách bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng ở bài viết này.
#2: Bạn dễ rơi vào xu hướng chi tiêu bốc đồng
Mục đích cuối cùng của việc thu hút sự chú ý vẫn là bán được sản phẩm - dịch vụ, tức là khiến bạn phải tiêu tiền. Nền kinh tế này có tác động đến mọi thế hệ, tuy nhiên chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các bạn thuộc thế hệ Gen Z (sinh năm 1997 - 2012), lứa tuổi trưởng thành trong lúc mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ. Mạng xã hội dù mang đến không ít ưu điểm, chẳng hạn như khả năng tiếp cận với vô vàn kiến thức - tài nguyên hữu ích, dễ dàng kết nối với cộng đồng cùng chung sở thích. Tuy vậy, mặt trái của nó lại là khiến chúng ta cô đơn và bất an về bản thân nhiều hơn. Vì thế mà hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out: nghĩa là nỗi sợ bị bỏ lỡ) bắt đầu lan rộng.
Hội chứng FOMO không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, mà còn tác động đến thói quen chi tiêu của bạn. Theo kết quả khảo sát thực hiện bởi Bankrate - một trong những tổ chức tài chính uy tín tại New York, 49% người tham gia khảo sát cho biết, họ có ít nhất một lần nhấn vào đường dẫn mua hàng đính kèm trên Instagram hoặc TikTok để mua hàng dù chưa tìm hiểu kỹ càng; 64% người cho biết họ cảm thấy hối hận vì đã mua sắm bốc đồng.
Nguồn ảnh: Laura Chouette / Unsplash
Điều này có liên quan đến việc xây dựng hình ảnh cá nhân hoàn hảo quá mức trên mạng xã hội. Cũng theo kết quả khảo sát trên của Bankrate, 46% Gen Z và 38% Millennials thừa nhận bản thân thường đăng tải những hình ảnh với mục đích xây dựng hình ảnh thành công, giỏi giang. Điều đó vô tình thúc đẩy nhu cầu mua sắm những món đồ xa xỉ, vốn là cách nhanh nhất để chứng tỏ bản thân, thay vì phải mất nhiều công sức và thời gian để đạt được thành tích trong công việc và học tập. Bạn có thể tìm hiểu thêm về FOMO và lời khuyên để hạn chế rơi vào hội chứng này tại bài viết dưới đây của ProFin.
Bài viết liên quan: Mạng xã hội và hội chứng FOMO khiến bạn tiêu tiền như thế nào?
Trong “nền kinh tế mua bán sự chú ý”, các nhà tiếp thị sẽ tìm mọi cách để giành lấy sự quan tâm của bạn, với mục tiêu là khiến bạn chi tiền nhiều hơn. Theo Kimbree Redburn - Cố vấn Tài chính có chứng nhận, khi nhìn thấy một món hàng thu hút trên mạng xã hội, hãy cố gắng trì hoãn thanh toán sau 24h. Điều đó sẽ giúp bạn hạn chế chi tiêu bốc đồng và cân nhắc kỹ hơn đến ngân sách cá nhân của bạn.
Ngoài ra, đừng quên hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội, cũng như các thiết bị điện tử có thể truy cập internet. Theo gợi ý từ Tạp chí điện tử Bustle, bạn nên tắt hết các thông báo từ ứng dụng mạng xã hội, xóa các nền tảng không dùng đến, cài đặt nhắc nhở thời gian sử dụng, và tìm kiếm sở thích không liên quan đến mạng xã hội (đàn, vẽ, múa,...).
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp