
Không dám nghỉ phép, không thể ngắt kết nối hoàn toàn với công việc dù đang đi du lịch; một mình gồng gánh công việc của nhiều người; không thể hòa hợp với cấp dưới lớn tuổi hơn,... là những áp lực vô hình mà các nhân viên trẻ có thể đối mặt tại chỗ làm ngày nay.
Không dám nghỉ phép, đi du lịch vẫn xử lý công việc
Hầu hết các công ty đều có chính sách nghỉ phép có lương (PTO: Paid Time Off), tuy nhiên nhiều nhân sự (đặc biệt là các bạn làm việc tại các agency truyền thông) không dám xin nghỉ vì nhiều lý do khác nhau. Theo số liệu khảo sát được công bố bởi Robert Half, hơn một phần ba nhân viên tại Mỹ không sử dụng hết ngày nghỉ phép trong năm. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát bởi Glassdoor, hơn 60% nhân viên dù xin nghỉ phép nhưng vẫn dành một ít thời gian để xử lý công việc từ xa.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này? Theo phân tích từ dự án Time Off (kết hợp với Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ), cảm thấy FOMO (Fear of Missing Out: nỗi sợ bị bỏ lỡ) trong công việc là lý do lớn nhất khiến nhân viên không dám nghỉ phép. Những nhân viên mới vào làm và quản lý cấp trung là nhóm đối tượng chủ yếu gặp phải tình trạng này. Trong khi các nhân viên mới lo sợ việc xin nghỉ ảnh hưởng đến thu nhập, đánh giá của cấp trên; những cấp quản lý bậc trung lại gặp khó khăn khi vừa phải làm tấm gương tốt và quản lý công việc của cấp dưới, vừa báo cáo tiến độ cho cấp trên mỗi khi nghỉ phép.
Ngoài ra, đối với một vài vị trí công việc có tính chất đặc thù, hoặc một nhân viên phải đảm nhận nhiều trọng trách trong công ty, việc xin nghỉ phép có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của tập thể. Tình trạng này diễn ra phổ biến đối với các bạn trẻ làm việc trong agency truyền thông, các startup có tuổi đời dưới 3 năm, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Vì vậy, nhiều bạn trẻ dù xin nghỉ phép để đi chơi xa cùng với gia đình, bạn bè vẫn không quen mang theo laptop, smartphone luôn sẵn sàng trực tuyến để kịp thời xử lý công việc phát sinh.
Nguồn ảnh: Armin Rimoldi / Pexels
Việc cố gắng làm việc trong thời gian dài không ngơi nghỉ sẽ dẫn đến thói quen năng suất độc hại cạn kiệt năng lượng (burnout), ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất - tinh thần. Chưa kể, việc liên tục làm việc như vậy về lâu dài có thể hình thành thói quen năng suất độc hại - một thói quen không hề lành mạnh.
Bài viết liên quan: Cân bằng cuộc sống #6: Bạn có đang rơi vào trạng thái “năng suất độc hại”?
Giải pháp: Hãy nhắc nhở bản thân rằng làm việc chăm chỉ là tốt, nhưng dành thời gian cho bản thân phục hồi năng lượng cũng quan trọng không kém. Ngày nghỉ phép là quyền lợi tối thiểu của người lao động để giúp giải tỏa căng thẳng, đồng thời tăng hiệu quả làm việc sau khi trở lại văn phòng. Do vậy, đừng e ngại khi đề nghị cấp trên cho nghỉ phép. Trong trường hợp bạn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao khi làm việc, không có lý do gì để ngăn cản bạn có một kỳ nghỉ dài để lấy lại tinh thần cả.
Một mình gồng gánh công việc của cả nhóm
Nhiều nhân viên mới vào làm luôn cố gắng làm tốt mọi công việc được giao, ngay cả khi đó không thuộc phận sự của mình. Tuy nhiên, không ít cấp quản lý trực tiếp lại tận dụng cơ hội phân bổ thêm nhiệm vụ cho các bạn nhân viên này vào các dịp khác, chẳng hạn như đảm nhận thêm công việc khi thiếu nhân sự.
Nhóm đối tượng chính rơi vào hoàn cảnh là các nhân viên có kinh nghiệm ở bậc senior (có kinh nghiệm làm việc từ 3-5 năm trở lên) và các quản lý bậc trung (trưởng nhóm, chuyên viên,...). Họ thường phải là người “gánh team” cho các thực tập sinh, nhân viên mới vào làm, và các anh chị lớn tuổi có gia đình hoặc con nhỏ cần chăm sóc.
Ban đầu, điều này có thể khiến các bạn thấy vui vì nghĩ là cấp trên tin tưởng, đánh giá cao năng lực của bản thân. Bởi vì nghĩa vụ tăng lên cũng đi kèm với một số quyền lợi nhất định, ví dụ như tăng lương - thưởng. Dẫu vậy, niềm vui này không kéo dài quá lâu, khi khối lượng công việc càng ngày càng tăng, những lợi ích kèm theo cũng không còn quá hấp dẫn nữa. Đổi lại, sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng xấu đi, sự hứng thú với công việc cũng dần mất đi.
Giải pháp: Cách hiệu quả nhất chính là thẳng thắn trò chuyện với cấp trên. Bạn nên giải thích với họ về những khó khăn đang gặp phải, đồng thời đừng quên nêu rõ những kỳ vọng bạn mong muốn thay đổi, chẳng hạn như điều chỉnh khối lượng công việc, tuyển dụng thêm nhân sự để phân phối nhiệm vụ hiệu quả hơn,... Bên cạnh đó, bạn cũng nên học cách từ chối mỗi khi có ai đó muốn đùn đẩy trách nhiệm sang cho bạn.
Khó xử khi cấp dưới bằng tuổi hoặc lớn tuổi hơn
Ngày nay, không ít bạn trẻ dù tuổi đời còn trẻ nhưng có trình độ học vấn và năng lực chuyên môn cao nên đã sớm được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. Tình hình được dự đoán sẽ ngày càng tăng cao hơn trong tương lai. Theo kết quả khảo sát từ Harris Interactive, 40% nhân viên có cấp trên nhỏ tuổi hơn, đáng chú ý 16% cho biết sếp của họ nhỏ hơn đến 10 tuổi.
Đây là một dấu hiệu đáng mừng khi thị trường lao động đang dần được thay thế bởi nhóm nhân sự trẻ tài năng, sáng tạo. Mặt trái của điều này là đôi khi có thể gây ra một vài tình huống khó xử khi cấp dưới bằng tuổi, hoặc lớn tuổi hơn. Cấp dưới thì cảm thấy không phục, người quản lý thì vì cả nể tuổi tác nên cũng e ngại thẳng thắn đóng góp ý kiến. Từ đó, việc giao tiếp trở nên khó khăn, chất lượng công việc và mối quan hệ cộng sự cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Nguồn ảnh: Amina Filkins / Pexels
Giải pháp: Theo vài gợi ý hữu ích từ nền tảng tuyển dụng nhân sự The Muse, những quản lý trẻ tuổi nên thể hiện sự tôn trọng đúng mực đối với các nhân viên lớn tuổi hơn. Ngoài ra, hãy tập trung vào kết quả thay vì quá trình thực hiện, bởi vì có thể họ có phương pháp làm việc khác với bạn. Cuối cùng, bạn không cần câu nệ quá mức, công sở vẫn là nơi làm việc, không phải nơi để kết bạn. Nếu cấp dưới của bạn đi họp trễ, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, dù họ lớn tuổi hơn hay nhỏ hơn, bạn cũng phải thẳng thắn đưa ra ý kiến để họ cải thiện. Hãy nhớ rằng, với cương vị là người quản lý, bạn cần có sự tôn trọng từ họ, không phải sự yêu thích.
Ở bài viết này, ProFin đã liệt kê ra 3 áp lực vô hình mà người trẻ có thể đối mặt ở chốn công sở. Nếu những vấn đề này không thể giải quyết được bằng cách trao đổi thẳng thắn với nhau, có lẽ đó là thời điểm bạn nên cân nhắc xem bản thân có nên gắn kết lâu dài với nơi đó hay không. Hy vọng bạn đọc cảm thấy bài viết hữu ích, hãy tiếp tục theo dõi chuỗi bài Nghề hay nghiệp của ProFin để cập nhật những bài viết thú vị nhé.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin